Trung tâm an toàn và quyền riêng tư

Hiểu rõ các đề xuất trên Spotify

Nội dung đề xuất của Spotify hoạt động như thế nào?

Tại Spotify, chúng tôi mong muốn tạo ra những trải nghiệm tuyệt vời và độc đáo cho từng người dùng. Mục tiêu của chúng tôi là kết nối tất cả mọi người với nội dung họ yêu thích và giúp họ khám phá những nội dung mới. Mỗi người nghe có sở thích khác nhau. Do đó, trải nghiệm của mọi người trên Spotify cũng như nhiều nội dung đề xuất đều được cá nhân hóa. Khi người nghe được hỏi về điều khiến họ thích ở Spotify, đa số đều xem trọng tính năng cá nhân hóa của chúng tôi nhất. Bạn có thể sẽ thắc mắc về cách chúng tôi tạo ra những nội dung đề xuất này trong thông tin cập nhật trên Trang chủ, danh sách phát, kết quả tìm kiếm hoặc các phần khác trong dịch vụ của Spotify. Vì vậy, chúng tôi muốn làm sáng tỏ cách nội dung đề xuất hoạt động.

Tại Spotify, con người và công nghệ phối hợp cùng nhau nhằm mang đến nội dung đề xuất phù hợp. Một số nội dung đề xuất được biên tập sẵn, chẳng hạn như danh sách phát nhạc pop do biên tập viên âm nhạc tạo. Các nội dung đề xuất khác được điều chỉnh theo sở thích riêng của từng người nghe, chẳng hạn như danh sách phát cá nhân hóa dựa vào thuật toán của chúng tôi do chuyên gia thiết kế.

Chúng tôi tin rằng nội dung đề xuất không chỉ nên tối ưu hóa cho nội dung nghe tiếp theo, mà còn nên thay đổi theo sở thích của bạn. Chúng tôi có các nhóm chuyên biệt sẵn sàng đảm bảo rằng nội dung đề xuất dành cho bạn khuyến khích khả năng tương tác thực tế và phát triển các kết nối ý nghĩa. Chúng tôi luôn nỗ lực cải thiện hệ thống đề xuất nhằm đảm bảo rằng bạn nhìn thấy nội dung thú vị và phù hợp.

Nội dung biên tập sẵn

Biên tập viên của Spotify sử dụng thông tin chuyên sâu, đôi tai tinh tường và sự am hiểu về các xu hướng văn hóa để đặt nội dung ở nơi có khả năng cộng hưởng tốt nhất với người hâm mộ trên toàn thế giới. Họ tuyển chọn kỹ lưỡng nội dung để đề xuất trên Spotify, chẳng hạn như trong danh sách phát biên tập sẵn. Các biên tập viên của Spotify trên toàn thế giới có kiến thức sâu rộng về âm nhạc và văn hóa địa phương. Nhờ đó, họ có thể đưa ra những quyết định xây dựng chương trình với mong muốn mang đến trải nghiệm tốt nhất cho người nghe.

Đề xuất dành riêng cho bạn

Dựa vào thuật toán, Spotify cung cấp nội dung đề xuất phù hợp, độc đáo và cụ thể cho từng người dùng. Thuật toán của chúng tôi chọn và sắp xếp nội dung theo trải nghiệm của từng người nghe trên Spotify, bao gồm cả phần Tìm kiếm, Trang chủ và danh sách phát cá nhân hóa.

Để đưa ra những nội dung đề xuất này, thuật toán của chúng tôi dựa vào một số dữ liệu đầu vào. Tầm quan trọng của những dữ liệu đầu vào này có thể thay đổi theo thời gian, tùy thuộc vào cách bạn sử dụng Spotify. Chúng tôi tin tằng hồ sơ gu âm nhạc của bạn là dữ liệu đầu vào quan trọng nhất nhằm tạo ra trải nghiệm tổng thể tốt nhất cho người dùng. Dưới đây là thông tin bổ sung về các dữ liệu đầu vào quan trọng nhất và cách những dữ liệu này hoạt động.

"Hồ sơ gu âm nhạc" của bạn

Khi bạn tương tác với Spotify, các hành động như tìm kiếm, nghe nhạc, chuyển bài hoặc lưu vào Thư viện sẽ ảnh hưởng đến cách chúng tôi diễn giải sở thích của bạn. Chúng tôi gọi đó là "hồ sơ gu âm nhạc" của bạn. Dựa vào dữ liệu này, thuật toán của chúng tôi có thể nhận biết nội dung bạn quan tâm, cũng như cách bạn muốn nghe nhạc.

  • Ví dụ: Nếu bạn nghe nhạc của một nghệ sĩ nhất định, chúng tôi có thể sẽ đề xuất thêm bài hát của nghệ sĩ đó.
  • Ví dụ: Danh sách phát Nhạc mới phát hành đề xuất các bản phát hành mới nhất mà chúng tôi cho rằng bạn sẽ thích dựa trên các giai điệu tương tự bạn đã nghe.
  • Ví dụ: Nếu bạn nghe một podcast về thể thao, chúng tôi có thể sẽ đề xuất cho bạn các podcast khác về thể thao.

Thông tin bạn chia sẻ với Spotify

Nội dung đề xuất cũng dựa trên thông tin bạn chia sẻ với Spotify, chẳng hạn như vị trí khái quát (không chính xác), ngôn ngữ, độ tuổi của bạn và những người mà bạn theo dõi. Thông tin này cung cấp cho thuật toán của chúng tôi tín hiệu về chủ đề bạn quan tâm hoặc nghệ sĩ bạn muốn theo dõi.

  • Ví dụ: Nếu bạn theo dõi một podcast nhất định, chúng tôi có thể sẽ đề xuất một tập trong podcast đó.
  • Ví dụ: Nếu bạn chọn ngôn ngữ trên Spotify là tiếng Đức, chúng tôi có thể sẽ đề xuất podcast nói tiếng Đức.

Thông tin về nội dung

Thuật toán của chúng tôi có tính đến các đặc điểm của nội dung, chẳng hạn như thể loại, ngày phát hành, danh mục podcast, v.v. Điều này cho phép chúng tôi xác định những nội dung có đặc điểm tương tự và có thể được những người nghe có sở thích tương tự yêu thích.

  • Ví dụ: Nếu bạn hay nghe nhạc pop, chúng tôi có thể sẽ đề xuất các bài hát nhạc pop tương tự khác.
  • Ví dụ: nếu bạn hay nghe sách nói về tội phạm, chúng tôi có thể sẽ đề xuất các sách nói khác về tội phạm.

An toàn cho người nghe

Là một nền tảng, chúng tôi đánh giá tác động của mình đối với các nhà sáng tạo, người nghe và cộng đồng. Spotify nỗ lực nhằm đảm bảo rằng các biện pháp và quy trình an toàn được áp dụng, gồm cả các biện pháp ngăn chặn người nghe tiếp xúc với nội dung có hại. Chúng tôi thực hiện nghiêm túc trách nhiệm về thuật toán, cộng tác giữa các nhóm chính sách, sản phẩm và nghiên cứu, cũng như tham khảo ý kiến của các chuyên gia bên ngoài (ví dụ: Safety Advisory Council của Spotify).

Quy tắc trên nền tảng của Spotify áp dụng cho mọi nội dung trên nền tảng, gồm cả nội dung được đề xuất. Đây là những quy tắc do các nhóm nội bộ phát triển, có tham khảo ý kiến đóng góp của nhiều chuyên gia bên ngoài. Khi nhận thấy một nội dung có khả năng vi phạm, chúng tôi sẽ xem xét nội dung đó theo chính sách của mình và áp dụng biện pháp phù hợp. Ví dụ: những biện pháp này có thể bao gồm cả việc hạn chế đề xuất nội dung vi phạm.

Bạn có thể tác động tới những yếu tố ảnh hưởng đến nội dung đề xuất bằng cách nào?

Nội dung đề xuất dành cho bạn liên tục chịu ảnh hưởng bởi hoạt động tương tác của bạn với nội dung trên Spotify. Bạn càng nghe nội dung yêu thích và càng tương tác với ứng dụng thì chúng tôi càng cho rằng bạn sẽ thích nội dung đề xuất dành cho bạn.

Ngoài ra, chúng tôi còn mang đến nhiều cách để bạn tác động và đưa ra ý kiến phản hồi về những nội dung đề xuất hiển thị với bạn cũng như ẩn bớt nội dung cụ thể. Dưới đây là một số ví dụ:

  • Loại bỏ khỏi hồ sơ gu âm nhạc: Khi bạn loại bỏ một danh sách phát khỏi hồ sơ gu âm nhạc, danh sách phát đó sẽ ít ảnh hưởng hơn đến nội dung đề xuất dành cho bạn sau này.
  • Đưa ra ý kiến phản hồi về nội dung đề xuất: Khi nhấn vào [không quan tâm/không thích] một nội dung đề xuất trên Spotify, bạn sẽ nhận được ít nội dung đề xuất tương tự với nội dung đó hơn.
  • Bộ lọc nội dung phản cảm: Khi bạn tắt nội dung phản cảm, bất kỳ nội dung nào có gắn thẻ phản cảm sẽ chuyển sang màu xám và bạn không thể phát nội dung đó.

Trong một số trường hợp, bạn cũng có thể sắp xếp và lọc nội dung đề xuất dựa trên nội dung bạn muốn thấy nhất. Ví dụ: bạn có thể lọc Trang chủ để chỉ thấy podcast hoặc nhạc.

Những điều cần cân nhắc về mặt thương mại có thể ảnh hưởng đến nội dung đề xuất như thế nào?

Spotify ưu tiên sự hài lòng của người nghe khi đề xuất nội dung. Trong một số trường hợp, những điều cần cân nhắc về mặt thương mại, chẳng hạn như chi phí của nội dung hoặc khả năng kiếm tiền từ nội dung đó, có thể ảnh hưởng đến nội dung đề xuất của chúng tôi. Ví dụ: Discovery Mode giúp các nghệ sĩ và hãng thu âm xác định những bài hát ưu tiên của họ. Hệ thống của chúng tôi sẽ thêm tín hiệu đó vào thuật toán xác định nội dung của phiên nghe nhạc cá nhân hóa. Khi một nghệ sĩ hoặc hãng thu âm bật Discovery Mode cho một bài hát, Spotify sẽ tính tiền hoa hồng cho các lượt nghe trực tuyến của bài hát đó trong những khu vực của nền tảng nơi Discovery Mode đang hoạt động (Discovery Mode không hoạt động trong các danh sách phát biên tập sẵn). Tín hiệu này làm tăng khả năng các bài hát đã chọn được đề xuất, nhưng không đảm bảo điều đó. Chúng tôi chỉ đề xuất các bài hát có khả năng được người nghe yêu thích. Cũng giống với tất cả các nội dung đề xuất, chúng tôi ghi lại khi người nghe không hứng thú với một bài hát, bao gồm cả những bài hát trong Discovery Mode, và tính đến điều này khi xác định nội dung đề xuất trong tương lai.